Hiện nay, tình trạng ngộ độc thực phẩm đang xảy ra khá phổ biến gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng về cơ bản vẫn do khâu lựa chọn và bảo quản thực phẩm tươi sống không được đảm bảo. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ đến các bạn những kinh nghiệm thực tế nhất để lựa chọn và bảo quản thực phẩm luôn giữ được độ tươi sống hiệu quả.
1. Cách lựa chọn thực phẩm tươi sống hiệu quả
Cách chọn thịt tươi sống
Mỗi loại thịt tươi sẽ có những đặc trưng riêng, tuy nhiên về cơ bản các bạn cần lựa chọn không có mùi hôi, mùi lạ, bề mặt khô ráo không rỉ nước và có độ đàn hồi tốt. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng ngộ độc khi chế biến các món ăn từ thịt thì tốt nhất các bạn không nên ăn các món tái, tiết canh, tuyệt đối không sử dụng thịt đã biến chất, ôi hỏng để chế biến thức ăn.
- Đối với thịt lợn/heo
- Nên chọn thịt có màu hồng tươi, lớp mỡ dày (1.5 - 2cm), không bị rỉ nước.
** Không nên chọn thịt lợn có các dấu hiệu như:
- Có màu hồng đỏ bất thường, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy mịn, nước rỉ ra ngoài (Có chứa thuốc an thần)
- Có lớp da mỏng, căng khác thường, phần nạc gần sát với da, mỡ rất ít và màu sắc sẫm hơn thịt bình thường. Khi chế biến, thịt ra nhiều nước, mùi vị không thơm đặc trưng của thịt heo, nấu chín thì màu sắc lại nhợt nhạt (Có chứa hormone tăng trưởng)
- Có màu hồng bầm, dùng tay ấn vào sẽ không thấy độ đàn hồi (Ướp hàn the)
- Có những đốm nhỏ hình hạt gạo, màu trắng đục (Nhiễm giun sán)
- Đối với thịt bò
- Thịt bò tươi ngon có màu đỏ tươi, thớ nhỏ mịn, thơm mùi bò, mỡ bò màu vàng nhạt.
** Không nên chọn thịt bò có các dấu hiệu như:
- Có nước tươm ra khi ấn tay vào (thịt đã bị bơm nước).
- Khi cắt vào miếng thịt không thấy máu ứa ra, khi ấn tay vào vết lõm không mất đi (thịt cũ và không còn tươi).
- Thịt gà
- Ưu tiên chọn loại thịt gà có màu sắc tự nhiên, thớ thịt mịn và có độ đàn hồi cao. Da gà phải kín, lành lặn, không có vết bẩn, mốc, không có vết gì lạ.
Cách chọn thủy hải sản tươi sống
- Đối với các loại cá:
- Cá tươi sẽ có thịt chắc, đàn hồi và dính chặt với xương, mang khép kín màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, mắt cá sáng và hơi lồi.
- Không chọn cá có mùi tanh khác thường, bên trong thịt nhũn, lỏng lẻo, không dính chặt với xương, dễ tróc vẩy.
- Tôm, mực, bạch tuộc…
- Tôm, mực, bạch tuộc tươi sẽ có đầu dính chặt với thân, sờ vào có cảm giác mềm dẻo, căng tự nhiên, độ đàn hồi cao.
- Không nên chọn thuỷ sản sờ vào thì mềm, nhão, độ đàn hồi kém. Khi ngửi có mùi lạ (như mùi khai, mùi hắc, mùi hôi…).
Cách lựa chọn và chế biến rau, củ quả
- Khi lựa chọn rau, củ nên chọn các sản phẩm còn tươi, nguyên vẹn, không bị dập, có hình dạng bình thường, có màu sắc tự nhiên, không có mùi vị lạ.
- Đối với các loại rau bị phun thuốc kích thích thường có lá xanh tốt bất thường, cọng rất non, to mập, những bó rau đó chỉ cần để từ sáng đến chiều là có thể bị nẫu, héo rũ.
- Nên ngâm kỹ, rửa rau ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước để loại trừ phần lớn thuốc bảo vệ thực vật tồn dư. Nên mua rau theo mùa, vì rau trái mùa rất dễ bị phun chất kích thích. Khi nấu, cần nấu chín và mở nắp xoong, đây là cách tốt nhất để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm bay hơi.
2. Một số lưu ý giúp bảo quản thực phẩm tươi sống hiệu quả
Bảo quản thịt, cá, hải sản
Các loại hải sản tươi sống thường có tốc độ phân hủy rất nhanh do đó chúng ta cần bảo quản đông lạnh càng nhanh càng tốt. Và để đảm bảo an toàn vệ sinh, trước khi bảo quản các bạn nên rửa sạch thịt, cá, hải sản hoặc có thể ướp gia vị nếu cần.
Với những loại hải sản có mùi, bạn nên chia ra từng khẩu phần nhỏ và bao bọc lại bằng các túi nilon hoặc cho vào các hộp bảo quản để tránh nhiễm khuẩn, gây mùi cho các thực phẩm khác.
Khi có nhu cầu rã đông để sử dụng, bạn nên chế biến hết một lần, tuyệt đối không được cấp đông lại vì khi đó sẽ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Và phương pháp rã đông an toàn nhất, duy trì hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm tốt nhất là rã đông bằng ngăn mát.
Ngoài ra, còn có các cách rã đông khác mà mọi người thường dùng như dùng lò vi sóng (khoảng 2-3 phút), rã đông bằng nước (15-20 phút), rã đông tự nhiên ngoài không khí (30-45 phút).
Bảo quản trái cây tươi
Chọn lọc trái cây tươi ngon, vừa chín tới trước khi bảo quản. Lưu ý nếu phần nào bị dập, úng thì bạn nên cắt bỏ phần đó đi trước khi bảo quản. Trái cây nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, thời gian bảo quản tối đa từ 5-7 ngày. Bạn không nên rửa trái cây trước khi bảo quản. Chỉ rửa khi lấy ra dùng. Nếu bọc trái cây thì bạn lưu ý phải có lỗ thông hơi, tránh trái cây bị úng và hư hỏng.
Bảo quản rau, củ
Để bảo quản tốt rau củ trong thời gian dài hơn, bạn có thể dùng giấy báo bọc bên ngoài túi nylon chứa rau củ. Lưu ý các bạn cần tránh tiếp xúc giấy báo trực tiếp với rau củ vì trong mực in có chứa chì, gây hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, bạn cũng nên lặt bỏ các phần rau bị hỏng trước khi bảo quản và không nên rửa nước trước vì rau sẽ nhanh chóng bị úng và hư ngay. Nên sắp xếp các loại rau cần dùng trước ra ngoài để dễ nhớ và sử dụng.
Kết luận
Tóm lại, để lựa chọn bảo quản thực phẩm tươi sống chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các bạn có thể tham khảo một số lưu ý trên đây, từ đó có những cân nhắc phù hợp với nhu cầu và góp phần nâng cao sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.