TP Đà Nẵng chính thức trở thành TP trực thuộc Trung ương từ ngày 01/01/1997. Trong thời gian đầu, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi yêu cầu phát triển mới đặt ra, nhất là bản thân nền kinh tế TP, trong đó có CN tuy đa dạng về ngành nghề nhưng công nghệ còn lạc hậu, phân tán, quy mô sản xuất nhỏ không tạo được mũi nhọn cho phát triển kinh tế. Các ngành dịch vụ tuy phong phú nhưng giá trị thấp, chưa tạo được luồng buôn bán lớn thúc đẩy sản xuất phát triển; khối lượng hàng hóa thông qua cảng chỉ đạt 50% công suất; các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng còn yếu kém…
Cùng với khó khăn trên, trong thời gian đầu khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương cũng là thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ của các nước trong khu vực, gây nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bị giảm mạnh, nhất là trong điều kiện hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Đà Nẵng còn thấp. Những khó khăn này phần nào hạn chế đến tốc độ phát triển của TP.
Trước thực trạng đó, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân TP Đà Nẵng đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt những chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy cao độ nội lực, phấn đấu khai thác những lợi thế sẵn có, huy động sức mạnh toàn dân, củng cố tổ chức bộ máy cán bộ để tạo những chuyển biến tích cực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Đặc biệt, sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã tiến hành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, nhanh chóng xác định cơ cấu kinh tế theo hướng “công nghiệp - thương mại - du lịch - dịch vụ - thủy sản nông lâm nghiệp”. Trên cơ sở đó, TP tiến hành các bước để cụ thể hóa và triển khai thực hiện, mang lại nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Cụ thể nhất là kinh tế- xã hội TP tiếp tục phát triển có tính đột phá, tạo được thế và lực cũng như xác lập được vị thế của Đà Nẵng trên cả nước, khu vực và quốc tế. Những thành tựu đáng kể đó là: tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) tăng bình quân 11,4%/năm, trong đó dịch vụ tăng 9,3%/năm, công nghiệp- xây dựng tăng 15,3%/năm; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư chuyển dịch đúng định hướng “công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp”, đồng thời là cơ sở để chuyển dịch sang hướng mới: “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” từ sau năm 2010; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước với GDP bình quân năm 2010 đạt 33,2 triệu đồng/người, tăng gấp 7 lần so với năm 1997 và gấp 1,7 lần so với bình quân của cả nước (năm 2010); tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 20,5%/năm.
Chặng đường phát triển mới
Trong bối cảnh từng bước vượt qua các khó khăn thì cũng trong giai đoạn này, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I cấp quốc gia (năm 2003) và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn, đánh dấu chặng đường phát triển mới của TP Đà Nẵng.
Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị chỉ rõ định hướng phát triển của TP Đà Nẵng là “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước; là trung tâm kinh tế- xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm CN, thương mại, du lịch và dịch vụ; là TP cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính- viễn thông, tài chính- ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học- công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”.
Thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị, Thành ủy Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện bằng nhiều chủ trương, nhiệm vụ cụ thể; đồng thời xây dựng và ban hành Chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội TP đến năm 2020. Chiến lược Quy hoạch tổng thể này đặt ra mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu; được triển khai thực hiện trong các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001-2005, 5 năm 2006-2010, 5 năm 2011-2016.
Trong 20 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị, với nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, nhất trí của toàn dân, Đà Nẵng đã tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức nên tình hình kinh tế- xã hội của TP đã có những chuyển biến quan trọng, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ tương đối khá, bước vào nhóm các TP đang phát triển có mức thu nhập khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; một số lĩnh vực, một số mặt có vị trí cao so với cả nước. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn GRDP năm 2016 ước tính theo giá so sánh 2010 tăng 6,24 lần so với năm 1997 (sau 20 năm), giai đoạn 1997-2016 bình quân hàng năm tăng 10,07%. Trong đó tăng nhanh thời kỳ đầu là ngành CN, sau đó là ngành dịch vụ.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế của TP Đà Nẵng đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 1997 cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp- công nghiệp và xây dựng- dịch vụ và thuế sản phẩm là: 6,66%- 31,71%- 61,63%; năm 2010 cơ cấu là: 2,97%- 29,39%- 67,63%; năm 2016 ước là: 1,99%- 32,6%- 65,41%.
Những sản phẩm công nghiệp chủ lực
Trong từng giai đoạn cụ thể của chặng đường phát triển 20 năm này, CN Đà Nẵng luôn xuất hiện những sản phẩm chủ lực, có vai trò và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TP.
Trước hết, ở giai đoạn đầu (1997-2000). Đây là thời kỳ mà Đà Nẵng bắt đầu bước vào quá trình tăng tốc, tiến nhanh đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện mục tiêu này, các thành phần kinh tế của TP được chú ý và tạo điều kiện để phát triển. Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được sắp xếp, củng cố một bước đóng vai trò chủ đạo trong nền CN thành phố. Đến cuối năm 1999, Đà Nẵng có 04 DNNN hoạt động trong lĩnh vực CN được cổ phần hóa và tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Trong khi đó kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (NN) cũng hình thành và phát triển ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu chung của CN thành phố.
Cạnh đó, năng lực sản xuất của CN Đà Nẵng bắt đầu chuyển biến theo hướng tích cực. Một số DN có mức tăng trưởng liên tục trong nhiều năm và có hướng phát triển tốt như: Công y Nhựa Đà Nẵng, Công ty Cao su Đà Nẵng, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung, Công ty VIJACHIP, Công ty Giày Bảo Quốc, HTX Văn phòng phẩm Trường Sơn, HTX Giấy Đồng Tâm, Công ty CP Khí Công nghiệp và Hóa chất Đà Nẵng….
Để có sự tăng trưởng và tạo ra những sản phẩm chủ lực, nhiều đầu tư cho CN được TP và các DN quan tâm, nhất là trong đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ. Đến cuối năm 1998, tỷ trọng thiết bị hiện đại trong toàn ngành CN Đà Nẵng đạt 38,7%, hệ số đổi mới thiết bị là 16,2%, tỷ trọng lao động làm việc trên thiết bị tự động hóa và cơ khí hóa là 37,1%... Nhờ vậy, nhiều sản phẩm của ngành đã được công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao, được khách hàng tín nhiệm, trở thành những sản phẩm chủ lực của Đà Nẵng như: xi măng Hải Vân, dày Hữu Nghị, túi xốp nhựa, hàng thủy sản chế biến, giấy Đồng Tâm…
Với sự xuất hiện của các mặt hàng chủ lực trên, CN Đà Nẵng tiếp tục mở rộng thị trường và xuất khẩu. Đến năm 1999, tổng giá trị sản phẩm CN xuất khẩu trên địa bàn TP đạt 106,5 triệu USD, tăng 8,7% so với năm 1998 và đạt 120 triệu USD trong năm 2000, tăng 12,7% so với năm 1999.
Bước sang giai đoạn 2001- 2006, sản xuất CN Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng cao, quy mô CN năm 2006 đạt khoảng 9.118 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với thời điểm trước khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương (1996) và đưa tỷ trọng công nghiệp- xây dựng TP từ 33,57% năm 1996 lên 48,3% năm 2006. Trong giai đoạn này, CN Đà Nẵng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của TP. Đặc biệt, thị trường CN Đà Nẵng không ngừng mở rộng và hướng về xuất khẩu, trong đó một số ngành đạt giá trị lớn trên 100 triệu USD như may mặc; từ 20 đến 70 triệu USD như hải sản, giày dép, đồ gỗ xuất khẩu…Và đây cũng là những mặt hàng chủ lực của CN Đà Nẵng thời gian này.
Bên cạnh những mặt hàng chủ lực trên, CN Đà Nẵng thời kỳ này cũng hình thành một số sản phẩm mới xuất khẩu ra thị trường thế giới như: đồ chơi trẻ em, điện tử, xăm lốp ô tô, bàn ghế tương hợp, cáp điện, thời trang…. Nhiều ngành hàng chủ lực phục vụ nhu cầu nội địa thay thế hàng nhập khẩu cũng xuất hiện như: đóng tàu, sản xuất bột mì, xi măng, xe máy, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, đồ uống… được đầu tư, phát triển, trở thành những mặt hàng, sản phẩm CN chủ yếu, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng giá trị CN một cách đáng kể.
Đến giai đoạn 2007- 2017, giá trị sản xuất CN trên địa bàn Đà Nẵng mặc dù cũng gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của bão Xangsane (2006) để lại và khủng hoảng kinh tế kéo dài (2008-2012) khiến cho hoạt động sản xuất bị đình trệ; định hướng kinh tế của Đà Nẵng chuyển từ Công nghiệp- Dịch vụ- Nông nghiệp sang Dịch vụ- Công nghiệp- Nông nghiệp nên đầu tư phát triển cho CN giai đoạn này không được quan tâm như trước; thu hút đầu tư vào CN giảm dần…Tuy vậy, CN Đà Nẵng vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân khoảng trên 9%/năm.
Theo UBND TP Đà Nẵng, trong thời gian từ 2007- 2017, tổng vốn đầu tư cho CN Đà Nẵng không lớn, trong đó riêng trong các năm từ 2010- 2017 chỉ đạt 40.680 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,5% tổng vốn đầu tư toàn TP. Tuy vậy, CN Đà Nẵng đã tạo ra giá trị tăng thêm chiếm trên 22,6% GRDP.
Riêng với CN hỗ trợ, giai đoạn này cũng bắt đầu hình thành và từng bước khẳng định tiềm năng là những mặt hàng chủ lực, có đóng góp lớn cho CN địa phương, nhất là một số sản phẩm có quy mô khá lớn của các doanh nghiệp FDI và một vài doanh nghiệp trong nước như: linh kiện điện, điện tử; bộ phận, phụ từng ô tô; săm lốp ô tô; chi tiết, phụ tùng máy móc thiết bị.
Nếu những sản phẩm, mặt hàng trên đang từng bước khẳng định trên thị trường thì nhiều mặt hàng CN chế biến của Đà Nẵng thời kỳ này đã vươn lên trở thành những mặt hàng CN chủ lực, tác động và đóng góp không nhỏ cho kinh tế Đà Nẵng. Theo báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng về tình hình phát triển CN Đà Nẵng giai đoạn 2003-2017 thì cơ cấu giá trị sản xuất CN đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng CN chế biến chế tạo từ 92,8% lên 95,4% so với các ngành khai khoáng và điện, nước. Đây là một minh chứng cho thấy ngành CN này có sự vươn lên và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế Đà Nẵng hiện nay.
Trong khi đó, trong cơ cấu của ngành CN chế biến, chế tạo TP Đà Nẵng, tính đến nay cũng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành CN sạch, có hàm lượng cao về kỹ thuật, công nghệ. Trong đó đi đầu là CN điện tử, thiết bị điện, công nghiệp công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác... các ngành sản xuất hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao như: ô tô, dược phẩm, bia, sản phẩm giày-da cao cấp, bao bì chất lượng cao... Cùng với đó, CNHT đã bước đầu hình thành với một số sản phẩm có quy mô khá lớn của các doanh nghiệp FDI như: Linh kiện điện, điện tử; linh kiện, phụ tùng ô tô; chi tiết, phụ tùng máy móc thiết bị… (chủ yếu xuất khẩu) và một số doanh nghiệp trong nước như: săm lốp cao su, sợi, bao bì (giấy, nhựa); chi tiết, phụ tùng máy móc thiết bị… (chủ yếu cung ứng trong nước), đáp ứng một phần nhu cầu sản phẩm CNHT của một số ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Như vậy, từ tình hình nêu trên cho thấy, trong chặng đường 20 năm kể từ khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, kinh tế CN của TP này luôn tăng trưởng và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế của TP. Trong thời gian gần đây, xu hướng phát triển CN theo hướng phát triển những ngành kinh tế sạch, có lợi thế và có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, gia tăng giá trị đang được Đà Nẵng ưu tiên phát triển. Đây cũng là xu hướng phát triển của một nền kinh tế hiện đại mà Đà Nẵng đang tập trung theo đuổi./.